LỜI NÓI ĐẦU
Theo phong tục và nghi lễ cổ truyền của người Việt Nam, trong các nghi lễ dâng hương bao giờ cũng phải tuân thủ trật tự là: sắm lễ, dâng lễ, thắp hương và cầu khấn. Việc Cầu Khấn bầy tỏ lòng thành tâm của người làm lễ dâng hương trước các đấng vô hình linh thiêng: vong linh Tổ tiên, Thần thánh, chư vị Thánh hiền, chư vị Bồ Tát, chư Phật mười phương. Từ xưa, trong chính sử và trong dân gian còn lưu truyền rất nhiều câu truyện Linh ứng của lời cầu khấn thành tâm. Lời khấn của người xưa luôn bao hàm mong muốn vươn tới cuộc sống tốt đẹp, đạo đức, triết lý làm người; tỏa sáng vẻ đẹp văn hóa, đạo lý cổ nhân được lưu truyền trong năm tháng.
Với mong muốn góp phần cùng bạn đọc sưu tầm, tìm hiểu những bài văn khấn cổ truyền nôm na, dễ nhớ, dễ thuộc , được ghi chép trong sách cổ và lưu truyền trong dân gian, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin trân trọng giới thiệu cuốn: VĂN KHẤN CỔ TRUYỀN VIÊT NAM do tác giả Nguyễn Bích Hằng sưu tầm, biên soạn.
Tập sách được trình bầy sáng rõ, dễ hiểu với các nội dung:
- Văn khấn theo các lễ tiết trong năm
- Văn khấn theo các nghi lễ trong lễ tục vòng đời
- Văn khấn thần linh tại gia
- Văn khấn tại Chùa, Đình, Đền, Miếu, Phủ
Trong mỗi lễ tiết, tập tục, chúng tôi có giới thiệu đôi nét về ý nghĩa của lễ tiết, tập tục, tiếp đến sắm lễ và văn khấn.
Cuốn sách đã được Thượng tọa Thích Thanh Duệ - Phó Viện Trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam thẩm định và hiệu đính.
Hy vọng tập sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích với nhiều đối tượng bạn đọc và với mọi gia đình Việt Nam.
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA - THÔNG TIN
CHƯƠNG I
VĂN KHẤN THEO CÁC LỄ TIẾT TRONG NĂM
Theo ông bà ta xưa, trong một năm có rất nhiều lễ tiết mà mọi người, mọi nhà phải tuân thủ để làm tròn đạo với TRỜI - ĐẤT. Đây cũng là một nét văn hóa rất đặc trưng của người Việt Nam. Các lễ tiết và nghi thức trong lễ tiết: Sắm lễ, thắp hương, cầu khấn luôn được những thế hệ người Việt Nam đi trước giữ gìn, tôn trọng và truyền lại cho con cháu thế hệ sau.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu các lễ tiết chính trong một năm với các nội dung:
- Ý nghĩa của lễ tiết
- Sắm lễ, thắp hương
- Văn khấn trong lễ tiết
TẾT NGUYÊN ĐÁN
Tết Nguyên Đán là tết bắt đầu của một năm mới (theo âm lịch). Đây cũng là tết cổ truyền mang chiều sâu tâm hồn của nếp sống truyền thống người Việt Nam. Tết Nguyên Đán của người Việt Nam có rất nhiều lễ tiết và nghi lễ đặc sắc. Tết Nguyên Đán được mở đầu bằng Tết ông Táo.
- LỄ CÚNG TIỄN ÔNG TÁO
Ý Nghĩa:
Người Việt xưa cho rằng: Trong mỗi gia đình đều có vị Thần Bếp (còn gọi là Thần Táo Quân – Vua Bếp) trông nom cuộc sống của họ. Thần Táo Quân gồm 3 người, hai Táo ông và một Táo bà. Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng chạp (tháng 12 âm lịch), Thần Táo Quân cưỡi cá chép lên Thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt, xấu trong năm của từng người trong gia đình, nên ngày 23 tháng chạp được gọi là ngày Tết ông Táo. Ngày nay, vào ngày 23 tháng chạp hàng năm, nhà nhà đều thành kính sắm sửa lễ vật để tiễn ông Táo lên chầu Trời.
Sắm Lễ:
Việc cũng tiễn ông Táo được thực hiện tại gia. Lễ cúng ông Táo gồm có:
- Một mâm cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu…
- Hương thơm, lọ hoa tươi cùng các loại quả tươi đẹp.
- Ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng vàng nén.
- Ba con cá chép sống để Táo Quân cưỡi bay lên trời.
Văn Khấn Ông Táo lên chầu Trời
(23 tháng Chạp)
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là:…………………………………………….........................................
Ngụ tại :………………………………………………………………………………………………………..
Hôm nay ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, kính dâng Tôn Thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án thụ hưởng lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, trẻ già sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Sau khi bày lễ thắp hương và khấn xong, đợi hương tàn lại thắp thêm 1 tuần hương nữa lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối…để cá chở ông Táo lên chầu Trời.
LỄ CHẠP (LỄ TẠ MỘ NGÀY 30 TẾT)
Ý Nghĩa:
Ngày 30 Tết, mọi gia đình thường ra mộ tổ tiên và người thân đã khuất để lễ tạ Thổ thần, đắp thêm đất lên mộ, sửa sang mộ,, rước vong linh gia tiên về đón năm mới. Gia đình khi ra mộ lễ sẽ chuẩn bị lễ để cúng. Lễ này gọi là lễ Chạp. Những gia đình trong năm có người mất thì đến lễ Chạp nên tiến hành cẩn thận hơn những năm khác.
Nếu gia đình không có điều kiện ra mộ, thì có thể lễ rước Gia tiên về đón năm mới theo cách: bày cỗ lên bàn thờ, đèn, hương hoa dâng cúng vào trưa (giờ Ngọ) ngày 30 Tết, rồi khấn mời Tổ tiên về dự hưởng Tết với gia đình.
Sắm lễ:
Mâm cỗ cúng gia tiên phải được chuẩn bị chu đáo, bao gồm:
Hương hoa, trầu cau;
Vàng mã;
Lễ mặn hoặc lễ ngọt tùy theo gia chủ chuẩn bị. Mâm cúng lễ phải đầy đặn, bày biện cẩn thận mang ra ngoài mộ hoặc bầy lên bàn thờ gia tiên.
Văn khấn lễ chạp
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật.
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái tuế Chí Đức Tôn thần, Kim Niên hành bình, Công tào Phán quan.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương.
Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ Địa Tôn thần.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ Thổ Long Mạch Tôn Thần, các ngài Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn thần cai quản trong xứ này.
Con kính lạy hương linh cụ:……………………………………………………………………….
Hôm nay ngày 30 tháng Chạp, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.
Tín chủ (chúng) con là :……………………………………………………………………………
Ngụ tại :………………………………………………………………………………
Chúng con sắm sanh phẩm vật, hương hoa nước quả, kim ngân bạc vàng, trình cáo Tôn thần, kính rước vong linh bản gia tiên tổ chúng con là:…………………………….có phần mộ táng tại…..................................................................................về với gia đình đón mừng năm mới, để cho cháu con được phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin tôn thần, Phủ thùy doãn hứa, Âm dương cách trở.
Bát nước nén hương.
Thành tâm kính lễ.
Cúi xin chứng giám
Phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
LỄ TẤT NIÊN
Ý nghĩa:
Lễ Tất Niên được tiến hành vào chiều 30 Tết. Trong ngày 30 Tết, nhà nhà đều dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón Tết. Đầu tiên phải lau chùi, trang hoàng, bày biện bàn thờ, với hương, hoa tươi, đèn nến đầy đủ. Sau đó, trang hoàng nhà cửa với hoa, cành đào, chậu quất…. Sau khi công việc chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đầm ấm, thiêng liêng, vui vẻ xong thì gia chủ phải chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên.
Sắm lễ:
Mâm cúng lễ Tất Niên gồm:
Hương hoa, vàng mã;
Đèn nến;
Trầu cau;
Rượu;
Bánh chưng;
Cỗ mặn với đầy đủ các món ăn ngày tết, được chế biến thơm ngon, tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.
Văn khấn lễ tất niên
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ Chư Vị Tôn Thần.
Con kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái tuế Chí Đức Tôn Thần.
Con kính lạy ngài Bản Cảnh Thành Hoàng Chư Vị Đại Vương.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân cùng tất cả các vị Thần linh cai quản ở trong xứ này.
Con kính lạy Chư gia Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Tiên linh nội ngoại họ……………………………………………………………………………………………………………….
Hôm nay ngày 30 tháng Chạp năm………………………………………………………………....
Tín chủ (chúng) con là:………………………………………………………………………………….
Ngụ tại…………………………………………………………………………………………………………
Trước án kính cẩn thưa trình:
Đông tàn sắp hết
Năm kiệt sắp cùng
Xuân tiết gần kề
Minh niên sắp tới.
Hôm nay là ngày 30 Tết, chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sang phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên Địa Tôn thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm Chư linh. Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin Chư vị Tôn thần, liệt vị Gia tiên, bản xứ tiền hậu Chư vị Hương linh giáng lâm án tọa, phủ thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho toàn gia lớn bé trẻ già bình an, thịnh vượng, luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
LỄ CÚNG GIAO THỪA (LỄ TRỪ TỊCH)
Giao thừa là thời khắc mà Trời Đất giao hòa, Âm Dương hòa quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới. Đối với người Việt Nam phút giao thừa thật thiêng liêng và trang trọng. Lễ Trừ Tịch được cử hành đúng vào lúc giao thừa (hết giờ Hợi ngày 30 sang giờ Tý mở đầu ngày mùng Một Tết).
Theo phong tục của người Việt Nam từ cổ xưa, tại thời điểm giao thừa nhà nhà đều cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà.
LỄ CÚNG GIAO THỪA NGOÀI TRỜI
Ý Nghĩa:
Người xưa tin rằng: Mỗi năm có một vị Hành Khiển trông coi việc nhân gian, hết năm thì vị Thần năm cũ lại bàn giao việc cho vị Thần năm mới, nên phải cúng giao thừa ngoài trời để tiễn đưa thần năm cũ và đón rước thần năm mới. có 12 vị Hành Khiển và 12 Phán Quan (Phán Quan là các vị Thần giúp việc cho các vị Hành Khiển). Mỗi vị làm một năm dưới Dương gian và cứ sau 12 năm thì có sự luân phiên trở lại. vương hiệu của các vị Phán Quan là:
Năm Tý: Chu Vương Hành Khiển, Thiên ôn hành binh chi thần, Lý Tào Phán Quan.
Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiển, Tam Thập lục Thương Hành binh chi thần, Khúc Tào Phán Quan.
Năm Dần: Ngụy Vương Hành Khiển, Mộc Tinh hành binh chi thần,Tiêu Tào Phán Quan.
Năm Mão: Trịnh Vương Hành Khiển, Thạch Tinh hành binh chi thần, Liễu Tào Phán Quan.
Năm Thìn: Sở Vương Hành Khiển, Hỏa Tinh hành binh chi thần, Biểu Tào Phán Quan.
Năm Tị: Ngô Vương Hành Khiển, Thiên Hao hành binh chi thần, Hứa Tào Phán Quan.
Năm Ngọ: Tần Vương Hành Khiển, Thiên Mao hành binh chi thần, Ngọc Tào Phán Quan.
Năm Mùi: Tống Vương Hành Khiển, Ngũ Đạo hành binh chi thần, Lâm Tào Phán Quan.
Năm Thân: Tề Vương Hành Khiển, Ngũ Miếu Hành Binh chi thần, Tống Tào Phán Quan.
Năm Dậu: Lỗ Vương Hành Khiển, Ngũ Hạc hành binh chi thần, Cự Tào Phán Quan.
Năm Tuất: Việt Vương Hành Khiển, Thiên Bá hành binh chi thần, Thành Tào Phán Quan.
Năm Hợi: Lưu Vương Hành Khiển, Ngũ Ôn hành binh chi thần, Nguyễn Tào Phán Quan.
Chú ý là trong các bài văn khấn giao thừa khi dâng hương ngoài trời đều khấn danh vị của các vị quan Hành Khiển cùng các vị Phán Quan nói trên, năm nào thì khấn danh vị của quan Hành Khiển năm ấy.
Sắm Lễ:
Lễ cúng giao thừa ngoài trời gồm: Hương, hoa, đèn, nến, trầu cau, quần áo, mũ thần linh và mâm lễ mặn với thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng…. Tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà.
Mâm lễ cúng giao thừa phải được chuẩn bị chu đáo, trang trọng với lòng thành kính.
Vào đúng thời điểm giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rồi khấn vái trước án.
Văn khấn có thể viết vào giấy để đọc, sau khi hết 3 tuần hương thì hóa tờ giấy viết văn khấn cùng vàng mã dâng cúng.
Văn Khấn giao thừa ngoài trời
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Đức Đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.
Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Ngài Cựu Niên Đương cai Hành Khiển.
Con kính lạy Đương niên Thiên quan (năm nào khấn danh vị của vị Hành Khiển năm ấy) năm…………………………………………………………………………………………………......
Các Ngài Ngũ phương, Ngũ Thổ, Long Mạch, Táo quân, Chư vị Tôn thần.
Nay là phút giao thừa năm…………………………………………………………………………….
Tín chủ (chúng) con là :…………………………………………………………………………………
Ngụ tại :………………………………………………………………………………………………………
Giao Thừa chuyển năm
Năm cũ qua đi
Năm mới đã đến
Tam dương khai thái
Vạn tượng canh tân.
Ngài Thái Tuế Tôn Thần trên vâng lệnh Thượng đế giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh, tảo trừ yêu nghiệt.
Quan cũ về triều cửa khuyết, lưu phúc lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc. Nhân ngày đầu xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sắm sửa hương hoa phẩm vật dâng lên trước án, cúng dâng Phật Thánh dâng hiến Tôn thần, đốt nén hương thơm, thành tâm bái thỉnh.
Chúng con kính mời : Ngài Cựu niên Đương cai, Ngài Tân niên Đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần ; ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ Địa, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài Thần, các bản gia Táo quân và chư vị Thần Linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin các vị giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho gia đình chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, làm ăn phát đạt.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin chứng giám, phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
LỄ CÚNG GIAO THỪA TRONG NHÀ
Ý Nghĩa:
Lễ cúng giao thừa được cử hành đúng thời khắc giao thừa, kết thúc năm cũ, chuyển sang năm mới. Cúng Giao thừa là một nghi lễ thành kính và trang trọng, toàn thành viên trong gia đình đứng trước bàn thờ gia tiên cầu khấn cho một năm mới được khỏe mạnh, vạn sự may mắn tốt lành.
Sắm lễ:
Lễ vật trong lễ cúng giao thừa gồm:
Hương hoa, vàng mã;
Đèn nến;
Trầu cau;
Rượu;
Bánh kẹo;
Mâm cỗ mặn ngày Tết đầy đặn, thơm ngon, tinh khiết.
Sau khi cung kính bày lễ lên bàn thờ thì đốt nến (đèn), thắp nén hương thơm và thành kính cầu khấn.
Văn khấn giao thừa trong nhà
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Đức Đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.
Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Long Mạch, Táo quân, chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Các cụ tổ tiên nội, ngoại chư vị Tiên linh.
Nay là phút giao thừa năm………………………………………………………………………….
Tín chủ (chúng) con là:……………………………………………………………………………….
Ngụ tại :……………………………………………………………………………………………………
Phút giao thừa vừa tới, giờ Tý đầu xuân, đón mừng nguyên đán, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, dâng lên trước án, cúng dâng Phật Thánh, dâng hiến Tôn thần, tiến cúng Tổ tiên, đốt nén tâm hương, thành tâm kính lễ.
Chúng con xin kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long Mạch Tài Thần, các ngài Bản gia Táo quân và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này giáng lâm trước hương án thụ hưởng lễ vật.
Con lại kính mời các cụ Tiên linh Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá Thúc Huynh Đệ, Cao Di, Tỷ Muội, nội ngoại Gia tộc, chư vị Hương linh, cúi xin giáng về linh sàng thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ chúng con lại kính mời vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ, y thảo thụ mộc ngụ tại đất này, nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước hương án thụ hưởng lễ vật.
Cúi xin các vị phù hộ độ trì cho toàn thể gia chủ chúng con năm mới tốt lành, sức khỏe dồi dào, tấn tài tấn lộc, vạn sự tốt lành, vạn điều như ý.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin chứng giám, phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Văn Khấn Thần linh trong nhà
(Ngày mồng Một tết)
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Đức Đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.
Con kính lạy Phật Trời, Hoàng thiên Hậu Thổ.
Con kính lạy chư vị Tôn thần.
Tín chủ (chúng) con là: …………………………………………………………………………………….
Ngụ tại : …………………………………………………………………………………………………………
Hôm nay là ngày mồng một tháng Giêng năm …………………., nhằm ngày tết Nguyên Đán đầu xuân, giải trừ gió đông lạnh lẽo, hung nghiệt tiêu tan, đón mừng Nguyên Đán xuân thiên, mưa móc thấm nhuần, muôn vật tưng bừng đổi mới.
Nhân ngày năm mới, tín chủ con sắm sửa hương hoa, cơm canh lễ vật bày ra trước án, dâng cúng Thiên thần. Cúi xin đức Tôn thần, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật. Nguyện cho gia chủ chúng con mọi người sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng. Mong ơn Đương cảnh Thành hoàng, đội đức Tôn thần bản xứ phù hộ độ trì cho gia chủ năm tới tấn tài tấn lộc, gặp nhiều may mắn, tai qua nạn khỏi. Đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối, sự nghiệp hanh thông, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin chứng giám, phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Văn Khấn Tổ Tiên
(Ngày mồng Một Tết)
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Đức Đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.
Con kính lạy các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, Bá Thúc Huynh Đệ, đường thượng Tiên linh và các hương hồn nội tộc, ngoại tộc họ: ……………………………………………………………….
Tín chủ (chúng) con là: …………………………………………………………………………………..
Ngụ tại : ……………………………………………………………………………………….................
Nay theo tuế luật, âm dương vận hành, tới tuần Nguyên Đán, đầu xuân năm mới, con cháu tưởng nhớ ân đức Tổ Tiên như trời cao biển rộng. Hôm nay ngày mồng Một tháng Giêng năm……………………, tín chủ con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa sang lễ vật, hương hoa nước quả, thắp nén hương thơm, thành kinh dâng lên trước án.
Tín chủ con có lời kính mời các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá Thúc, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội, nam nữ Tử Tôn nội, ngoại, cúi xin các vị thương xót con cháu, phù hộ độ trì con cháu năm mới an khang, mọi bề thuận lợi, sự nghiệp hanh thông. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết được hưởng điềm lành.
Tín chủ con lại mời vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ trong đất này cùng về hâm hưởng, xin ban cho sức khỏe dồi dào, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin chứng giám, phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Để xem thêm các bài văn khấn nữa vui lòng tải về để xem theo link dưới:
Viết bình luận
Email của bạn sẽ không được công khai. * là trường bắt buộc bạn phải điền.